​Trà hoa Atiso đỏ (Hibiscus), hottrend mới không kém gì Hoa đậu biếc.

Chắc hẳn bạn vẫn không thể quên xu hướng "hoa đậu biếc" trong năm vừa qua - một thức uống "phù thủy" khiến giới trẻ phát cuồng. Nhưng năm nay, nếu ai đó mời bạn uống trà Atiso đỏ (Hibiscus) , thì đó chắc chắn là người bạn tốt và rất "tây". Bạn có muốn biết vì sao không?

Atiso đỏ khô
Những cánh hoa có màu đỏ hoặc đỏ thẫm, đỏ tím đậm, tùy từng vùng

Trà Hibicus hay còn có tên là trà hoa bụp giấm… là thảo mộc rất phổ biến ở các nước thuộc Trung, Nam Mỹ hoặc các nước nhiệt đới, cận nhiệt đới. Đối với người Tây Ban Nha, nó được ví như horchata (một loại sữa gạo nổi tiếng, thơm ngon, mát lạnh, được bày bán rất nhiều trên đường phố Barcelona). Hibiscus không đơn thuần là đồ uống mà nó còn được xem như một biểu tượng thú vị về văn hóa. Khắp nơi trên thế giới đều yêu thích loài hoa đỏ thắm này. Và dĩ nhiên, tại Việt Nam, nó cũng được ưu ái trên những vùng đất đầy nắng và gió như Đà Lạt, Bình Thuận với cái tên thân thuộc hơn: Trà hoa Atiso đỏ.
Thành phẩm từ Hibiscus cũng rất đang dạng (mứt, cocktail, bánh ngọt…) nhưng phổ biến nhất vẫn là trà, một thứ trà có vị chua mang đậm chất hoa quả, thêm đá, đường và bạc hà lại trở thành một thứ gần giống soda.
Nghe thật hấp dẫn phải không nào?

Trà Atiso đỏ có gì hấp dẫn?

Nếu bạn search qua một lượt Google, bạn sẽ hoa mắt bởi những thông tin về tác dụng của trà hoa Atiso đỏ. Không chỉ ngon, mát; trà hoa Atiso đỏ còn mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên nó không phải thần dược, cái bạn cần là nhìn thấy mặt tốt của nó để chia sẻ với chính bản thân mình. Với thời tiết nắng mưa thất thường hay đông xen hè như Hà Nội thì hãy cứ yên tâm vì Hibiscus có thể dùng quanh năm. Mùa nào cũng thấy ngon, tốt và…quan trọng là “hợp”.
Trà hoa Atiso đỏ thích hợp cho hầu hết mọi lứa tuổi. Nhất là những bạn muốn giảm cân mà không muốn nhin ăn. Vitamin C và các hợp chất chống Oxy hóa của Atiso đỏ cũng được rất nhiều chị em phụ nữ yêu thích. Nó không chỉ hỗ trợ việc chống lão hóa mà còn giúp da dẻ thêm hồng hào, căng mịn.
Với khả năng làm dịu nhờ đặc tính bioflavonoids (một đặc tính bổ sung chất chua tự nhiên từ hoa quả), Atiso đỏ giúp bạn xua tan những khó chịu, bức bối, phát hỏa trong những ngày hè oi ả. Hãy pha một bình Atiso đỏ để tủ lạnh, sớm mai mang đi làm, bạn sẽ thấy rõ sự khác biệt khi sử dụng Atiso đỏ thay nước.

Trà Atiso đỏ mát lạnh (Ảnh: Internet)
Không những thế, Atiso đỏ cũng là một “chiến binh” tuyệt vời hỗ trợ những người cao huyết áp, kém lưu thông máu, giảm cholesterol và cải thiện tình trạng tim mạch nhờ vào hợp chất anthocyanis đươc tìm thấy trong nó. Rất đáng để thử đúng không nào?

Cách pha trà Atiso đỏ?

Đối với việc pha trà, điều quan trọng nhất là bạn hãy dành thời gian và tình cảm cho nó. Có thể là 3 phút, 5 phút hoặc 7 phút hoặc lâu hơn. Đừng vội nghĩ rằng, điều này làm mất thời gian của bạn bởi nếu so sánh với thời gian chúng ta dùng Facebook, Messages tán gẫu thì có lẽ không đáng là bao. Việc cải thiện và hình thành một thói quen tốt như uống trà thường xuyên sẽ giúp cuộc sống của bạn có thêm nhiều thay đổi tích cực.
Còn bây giờ, chắc chắn bạn sẽ bất ngờ vì chưa có trà nào pha dễ hơn trà hoa Atiso đỏ đâu. Có 2 cách mà tôi vẫn thường làm:

Cách 1: Khoảng 10 – 15 phút.

  • Dùng 1 cái xoong nhỏ, đun 10gr trà với khoảng 1 lít nước trong 10 – 15 phút.
  • Sử dụng dụng cụ lọc hoa/ lá trà. Rót ra cốc vừa uống, thêm đường và đá để thưởng thức. Có thể trữ phần còn lại trong tủ lạnh, dùng dần.

Cách 2: Khoảng 5-7 phút.

Đây là cách tôi vẫn hay làm mỗi sáng.
  • Dùng 3-4 bông hoa khô, kết hợp 3-4 lá cỏ ngọt trong 1 cốc thủy tinh. Đổ 250ml nước nóng và ủ trà trong 5 phút. Sau 5 phút, trút trà ra bình nước, sau đó bạn có thể mang đến công ty, pha thêm nước lạnh và thưởng thức.
  • Trong lúc chờ đợi, bạn có thể nhìn ngắm tách trà, cảm nhận được vẻ đẹp của hoa Atiso đỏ khi gặp nước nóng, nở bung ra và trở về trạng thái như hoa tươi. Đó thực sự là một khoảnh khắc kỳ diệu khi nhìn thấy màu đỏ tràn đầy năng lượng dần phai ra từ những cánh hoa.

Trà Atiso đỏ
Bạn có thấy màu đỏ đang phai dần ra từ những cánh hoa?​

Một lưu ý dành cho các bạn: ở cách 2, tôi dùng cỏ ngọt thay thế đường. Cỏ ngọt là loài thảo mộc với độ ngọt cao gấp 150 – 300 lần đường mía nhưng lại không chứa calo (tức là bạn sẽ không lo bị béo) và an toàn, dễ sử dụng. Thực tế, đa phần các loại trà thảo mộc được khuyên dùng với mật ong hoặc các chất tạo ngọt tự nhiên thay vì đường hóa học nhằm giữ nguyên dược tính của hoa. Nếu dùng đường, bạn hãy dùng đường phèn, đường đỏ, đường nâu…
Ngoài ra, ở một số nơi, trước khi pha trà Hibiscus, họ còn ngâm hoa Hibiscus khô trong nước và để ngoài trời nắng cho đến khi chúng nở ra thật mềm mại, sau đó mới đun. Có vẻ hơi mất thời gian các bạn nhỉ. Nhưng hãy thử nếu bạn đang rảnh nhé!
Sao rồi, các bạn thấy pha trà Atiso đỏ khó hay dễ?

Những cách sử dụng Atiso đỏ thú vị khác.

Như đã nói, trà hoa Atiso đỏ sẽ có rất nhiều thành phẩm và cách sử dụng bởi 2 đặc tính là vị chua đặc trưng và màu đỏ tươi bắt mắt. Chính vì vậy, Atiso đỏ được ứng dụng rất nhiều trong làm bánh, làm sữa chua, làm mứt và hoặc kết hợp với các loại trái cây khác.
Một số loại trái cây, hoa quả được khuyên dùng kết hợp Hibiscus: Dâu tây, mâm xôi, nước chanh, nước cam, bạc hà hoặc hoa đậu biếc.
Một số loại bánh như bánh táo, bánh quy cũng sẽ ngon hơn nếu sử dụng cùng mứt Atiso đỏ

Tips: Theo một số chuyên gia, Atiso đỏ nên uống nhiều vào ban ngày, hạn chế uống vào buổi tối.

 Chúc các bạn uống trà ngon nhé! 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến